NHỮNG SẮC MÀU VĂN HÓA CỦA HUYỆN HOÀNG SU PHÌ
Muốn tìm hiểu lễ hội Hà Giang, bạn không nên bỏ lỡ Hoàng Su Phì – nơi những mảnh ghép văn hóa được thể hiện rõ nhất qua sắc màu lễ hội. Những lễ hội đặc sắc này sẽ giúp bạn tìm hiểu những sắc màu văn hóa mà bạn đang tìm kiếm.
1. Lễ cúng rừng của dân tộc Nùng
Lễ cúng rừng của người Nùng hay còn gọi là lễ cúng Đổng Trú, các bài cúng ẩn chứa những di vết của tín ngưỡng nông nghiệp canh tác lịch sử nương rẫy. Lễ cúng rừng ở Hoàng Su Phì chính là sự gắn kết cộng đồng của người Nùng trước một thiên nhiên bao la rộng lớn mà đầy dẫy những bất trắc khó khăn. Nghi lễ này được tổ chức tại các khu rừng cấm cộng đồng ở huyện Hoàng Su Phì vào tháng 2 và tháng 7 âm lịch hàng năm, vì vậy để tìm hiểu về nghi lễ này bạn sẽ phải nhờ tới sự giúp đỡ rất nhiều của những người dân.
Lễ cúng rừng (lễ cúng Đổng Trú) mang di vết của tín ngưỡng nông nghiệp
2. Lễ hội quỹa hiéng của dân tộc Dao
Trong những lễ hội ở Hà Giang thì đây là lễ hội hết sức độc đáo ngoài những lễ thức mang tính tộc người thì trong lễ hội người Dao đỏ còn tổ chức những trò chơi dân gian huyền bí như: là giữ gậy, nhảy lửa, bói lồng gà và các sinh hoạt văn hóa dân như: hát páo dung, múa bắt rùa với sự tham gia của đông đảo nhân dân trong trong bản và các du khách. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 28/12 đến 5/1 Âm lịch hàng năm. Tết này bạn không nên bỏ qua lễ hội quỹa hiéng độc đáo, mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người Dao đỏ.
Lễ hội độc đáo có những trò chơi dân gian huyền bí
3. Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Tết khu cù tê của dân tộc La Chí
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tết khu cù tê của dân tộc La Chí là một trong những đặc sắc của lễ hội Hà Giang. Dân làng tập trung tại nhà của trưởng tộc để cúng tổ tiên dòng họ người La Chí. Trong những ngày tết, trai gái hát giao duyên cả ngày, bên cạnh đó nam giới đều phải uống rượu bằng sừng trâu, phụ nữ uống rượu bằng bát. Hôm sau mọi người về nhà mình là thủ tục gọi tổ tiên các cụ đã mất về ăn tết tháng 7 với gia đình. Các gia đình đến nhà nhau ăn tết uống rượu, vui chơi đến khi hết tết mới thôi. Lễ hội được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, đây là một dịp vô cùng đặc biệt, vì vậy nếu bạn ở đây vào dịp Tết thì không nên bỏ qua di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia này.
Ăn tết Khu Cù Tê cùng với người La Chí - một trải nghiệm khó quên
4. Hội chọi dê toàn huyện hàng năm
Hội chọi dê là một trong những hoạt động hết sức độc đáo được tổ chức ngày 14 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội này mang ý nghĩa bảo tồn các vốn văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát triển nguồn gien quý đối với các loại vật nuôi của các dân tộc trên các địa bàn. Bên cạnh đó hội chọi dê còn là dịp để bạn tham quan và khám phá những nét văn hóa độc đáo cũng như vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây. Vì vậy đừng ngần ngại tham gia lễ hội đậm tính nhân văn này nhé!
Độc đáo lễ hội chọi dê tại Hoàng Su Phì